Share
Amazon S3 (viết tắt của cụm từ Amazon Simple Storage Service) là dịch vụ lưu trữ đối tượng được xây dựng để lưu trữ và truy xuất bất kỳ lượng dữ liệu nào từ bất kỳ nơi nào.
Đây là dịch vụ lưu trữ dữ liệu đám mây đơn giản, có độ bền, độ sẵn có, hiệu suất, tính bảo mật dẫn đầu ngành. Khả năng thay đổi quy mô của dịch vụ gần như không giới hạn với chi phí rất thấp.
Amazon S3 đang ngày càng trở nên cần thiết khi nhu cầu lưu trữ một lượng dữ liệu khổng lồ ngày càng tăng. Những dữ liệu được nhắc đến ở đây có thể là hình ảnh, video, tệp âm thanh, tài liệu,...
Có thể bạn quan tâm: Tổng quan về Amazon RDS
Dữ liệu trên Amazon S3 được tổ chức dưới dạng các bucket. Khi tải dữ liệu lên Amazon S3, bạn phải chỉ định dữ liệu đó dành cho bucket nào. Hay nói cách khác, để tải dữ liệu lên Amazon S3, trước tiên bạn phải tạo bucket.
Những bucket này có thể có phạm vi trong một dự án hoặc là một module trong dự án, tùy vào quy mô hoặc cách áp dụng của từng người. Có thể hình dung bucket qua hình ảnh dưới đây:
Hình 1 Cấu trúc Amazon S3
Một số đặc điểm của bucket:
Tên bucket là duy nhất trên toàn cầu. Không gian tên được chia sẻ bởi tất cả các tài khoản AWS.
Mỗi bucket phải được gắn với một khu vực mà Amazon cung cấp.
Object được hiểu là một thực thể được lưu trữ trong Amazon S3, nó bao gồm 2 phần là dữ liệu và metadata.
Phần dữ liệu chính là nội dung file mà chúng ta tải lên.
Metadata chứa một số thông tin như ngày tải lên, ngày chỉnh sửa, loại dữ liệu,…
Mỗi object sẽ có một ID duy nhất nằm trong một bucket.
Region là khu vực địa lý mà Amazon cung cấp để tối ưu hóa tốc độ, giảm thiểu chi phí hoặc giải quyết các yêu cầu theo quy định.
Hãy chọn một khu vực AWS gần nhất về mặt địa lý. Để biết danh sách cụ thể, bạn có thể truy cập danh sách khu vực Amazon S3.
Như vậy, qua hai phần trên, bạn đã nắm được khái niệm cơ bản về Amazon S3 cũng như một số thuật ngữ liên quan đến nó. Phần tiếp theo, bài viết sẽ nói chi tiết hơn về lợi ích khi sử dụng S3 để lưu trữ thông tin đám mây.
Amazon S3 được thiết kế tối giản nhất nhằm giải quyết những bài toán về hiệu suất và chi phí. Dưới đây là một số ưu điểm nổi bật của công cụ lưu trữ dữ liệu đám mây này.
Amazon S3 cung cấp giao diện đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng đối với cả người không biết kỹ thuật. Ngoài ra, công cụ này cũng cung cấp các API và tài liệu chi tiết, giúp cho lập trình viên tích hợp được dễ dàng.
Amazon S3 ứng dụng lưu trữ dữ liệu trên đám mây. Vậy nên khi muốn tăng dung lượng lưu trữ, hệ thống có thể thực hiện một cách dễ dàng.
Chi phí sử dụng của dịch vụ rất thấp, luôn cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của những công ty khác.
Công cụ được thiết kế để chịu được lượng truy cập lớn, khả năng phục hồi nhanh khi có một vấn đề phát sinh
Amazon S3 cung cấp tính năng cho phép phân quyền hoặc từ chối các thao tác upload hoặc download dữ liệu dựa trên từng người dùng hoặc nhóm người dùng.
Có thể thấy, Amazon S3 mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích từ chi phí cho đến hiệu suất. Vậy các bước để đăng ký sử dụng dịch vụ như thế nào, cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo.
Để đăng ký dịch vụ, Amazon S3 yêu cầu bạn cần có tài khoản trên trang AWS của Amazon, bài viết này không đi sâu vào cách đăng ký tài khoản đó như thế nào. Nếu chưa có tài khoản, bạn truy cập vào link https://aws.amazon.com/ và làm theo hướng dẫn để đăng ký tài khoản mới.
Sau khi đăng ký thành công tài khoản, hãy đăng nhập vào bảng điều khiển của AWS, đây sẽ là giao diện sau khi đăng nhập thành công.
Hình 2 Giao diện dashboard của AWS
Để vào chi tiết dịch vụ S3 có thể dùng một trong hai cách sau:
Cách 1, click chuột vào Services trong thanh menu, từ đó chọn S3.
Hình 3 Chọn Amazon S3 từ danh sách Services
Cách 2: sử dụng ô tìm kiếm trong thanh menu, nhập từ khóa S3, sau đó ấn enter.
Hình 4 Chọn Amazon S3 từ thanh tìm kiếm
Sau khi truy cập vào dịch vụ S3, một màn hình danh sách các bucket sẽ hiển thị. Theo mặc định ban đầu, danh sách bucket sẽ trống. Để tạo một bucket, bạn click chuột vào Create bucket.
Hình 5 Danh sách bucket của Amazon S3
Khi ấn vào button Create bucket, giao diện tạo Bucket sẽ được hiển thị.
Hình 6 Giao diện tạo bucket mới trong Amazon S3
Trong phần tạo bucket cần để ý 3 thông tin sau:
Bucket name: Phải là duy nhất, không được chứa khoảng trắng hoặc chữ hoa. Để xem chi tiết hơn, click vào link See rules for bucket naming. Ở dưới ô input nhập bucket name.
AWS Region: Nên chọn region gần bạn nhất.
Block public access: Nếu muốn dữ liệu có thể truy cập được công khai, bạn uncheck tất cả các block mặc định của bucket.
Hình 7 Quyền truy cập public bucket
Sau khi nhập các thông tin cần thiết, ấn nút Create Bucket. Màn hình thông báo bucket đã được tạo thành công và các bucket hiện có sẽ được hiển thị.
Hình 8 Màn hình thông báo tạo bucket thành công
Đến đây, bạn đã hoàn thành phần việc tạo Amazon S3. Nhưng để truy cập được vào các bucket S3 thì cần tạo user IAM.
Để tạo user truy cập, đầu tiên ta tìm từ khóa IAM trong ô tìm kiếm ở thanh menu. Ấn tìm kiếm, sau đó chọn dịch vụ IAM. Màn hình dashboard sẽ được hiển thị. Tiếp theo, chọn menu Users nằm trên thanh menu bên trái, sau đó click Add users.
Hình 9 Tạo user trong dịch vụ IAM
Lưu ý, khi đặt quyền cho user, chúng ta cần thêm quyền AmazonS3FullAccess cho người dùng. Khi đó, người dùng này sẽ có thể truy cập Amazon S3, chi tiết được mô tả như hình dưới đây.
Hình 10 Set quyền cho user IAM mới
Sau khi tạo user theo hướng dẫn, màn hình thông báo tạo người dùng thành công sẽ được hiển thị. Trong màn hình này sẽ có tên user, Access key ID, Secret access key của người dùng mới tạo. Bạn cần lưu lại ba thông tin này để gửi cho nhà phát triển, hoặc có nút “download .csv” dùng để tải file chứa ba thông tin này.
Hình 11 Màn hình thông báo tạo user IAM thành công
Đây là bước cuối cùng mà bạn cần hoàn thành. Đó là gửi lại các thông tin sau cho bên phát triển để thực hiện thao tác với bucket S3 ta vừa tạo:
Thông tin file csv của người dùng IAM mới tạo
Tên bucket mới tạo (VD: create-bucket-demo)
AWS Region (VD: us-east-2)
Như vậy, bạn đã thật sự hoàn thiện tất cả các bước đăng ký sử dụng dịch vụ Amazon S3.
Như vậy, bài viết này đã trình bày chi tiết về khái niệm, lợi ích, các bước để sử dụng dịch vụ lưu trữ thông tin Amazon S3. Hy vọng bạn sẽ thấy được lợi ích của nó và tự tạo cho mình một bucket theo cách mà mình đã hướng dẫn.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của mình. Để xem thêm bài viết khác liên quan tới dữ liệu đám mây, tạo server lưu trữ dữ liệu,... hãy truy cập kênh tri thức của Rabiloo.
Hẹn mọi người trong bài viết tiếp theo.
Share